Bánh đúc nóng - thức quà quê dân dã

Tạo 3 năm trước


feature image

Là món ăn dân giã thịnh hành khắp ba miền, bánh đúc có vị giòn, mát, mịn, no bụng mà lại dễ tiêu, dễ làm, nguyên liệu phổ biến và giá thành bình dân. Không chỉ được ăn như một thức quà quê, bữa ăn sáng như bánh đúc chấm tương, bánh đúc cũng có thể ăn kèm với canh riêu cua, rau thơm, mắm tôm, mật ong, mật mía, mứt trái cây và thậm chí cả cá kho, thịt kho tùy thích. Hơn nữa, bánh đúc mang đặc trưng riêng ở nước mắm pha đậm đà, miếng đậu xốp mềm thanh nhã, ngấm vị, thịt băm hòa quyện cùng bột bánh beo béo, thơm thơm nhẹ hương của rau mùi. Hành khô phi thơm lừng và rau mùi góp phần làm cho bát bánh đúc nóng trở nên hấp dẫn hơn gấp nhiều lần. Nhất là những ngày lạnh, món ăn sẽ lại càng ngon hơn bao giờ hết.Người ta truyền nhau về bánh đúc:
"Một món ăn bình dân nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo của rất nhiều nguyên liệu, mang trong mình sự tròn đầy của ngũ vị hài hòa. Thức ăn ấy không mấy khi để ăn no, đối với người Hà thành, đó là một thức quà từ lúa gạo mà người ta chỉ muốn ăn chơi, vừa đủ để nuôi ý định lân la, lâu lâu lại lên cơn thèm..."
Bánh đúc về cơ bản được làm từ gạo tẻ ngâm nước vôi trong hoặc nước tro sau đó xay ra thành bột nước hòa lẫn chút hàn the cho bánh có vị giòn dai. Bột được cho vào nồi đảo đều tay đến khi đặc sệt, trong mượt thì trộn nhân (Bánh đúc đơn giản thường có nhân lạc luộc và cơm dừa). Tuy vậy, nếu muốn làm bánh đặc sắc khó quên thì cần có tay nghề và bí quyết, như một người bán lành nghề chia sẻ:
“Gạo đem ngâm 3 giờ trước khi cho vào xay. Ngày xưa, xay bằng cối đá nên vất vả, nay xay bằng máy rất tiện. Bột gạo đem ngâm với một ít nước vôi trong để có độ dòn sần sật vừa phải, vừa bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người ăn. Cái khó là khi quấy bột trên bếp than phải đều tay, chỉ một chút lơ là là bột dính xoong, mất đi cái hương vị vốn có của bánh. Rứa nên làm bánh đúc là tập cái tính kiên trì, chịu khó".
Dùng dầu ăn, nước mỡ lợn hoặc chút óc lợn tán nhuyễn thoa đều lên lòng một cái đĩa to, hoặc các khuôn bánh. Đổ bột vào với độ dày khoảng 3–5 cm. Để nguội thành phẩm sẽ đông cứng lại và có thể xắt miếng để ăn kèm các thực phẩm khác (tương, mật, cá kho, canh cua, đậu phụ rán, thịt lợn luộc v.v.)Bánh đúc là thức quà quê dân dã đậm đà bản sắc dân tộc, trong thời đại hội nhập càng cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nó.